Mòn mỏi chờ thương lái
10h, xưởng sản xuất hương trầm của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (47 tuổi) tại làng nhang Lê Minh Xuân (quận Bình Chánh, TPHCM) vẫn trong cảnh yên ắng.
Ngồi trước hàng tấn hương thành phẩm chất chồng, chị Thúy rầu rĩ khi xưởng nhà không còn tiếng máy móc rộn rã, cảnh công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm như thông lệ khi cận kề.
“Chưa năm nào tình hình tệ như năm nay!”, bà chủ xưởng thốt lên.
Ở làng hương Lê Minh Xuân năm nay, không ít xưởng sản xuất phải đóng cửa, phá sản, không trụ được trước tình hình khó khăn.
“Mọi năm, 2 tháng trước Tết là thương lái đã đặt trước hàng tấn nhang, xe tải ra vào liên tục, máy móc vận hành ngày đêm vì nhang làm ra đến đâu bán hết tới đó. Năm nay, xưởng nhà tôi hầu như không có đơn đặt hàng Tết. Các mối quen cũng chậm tiêu thụ, lấy hàng cầm chừng, bán hết mới tới, lượng mua rất thấp”, chị Thúy nói.
Thay vì làm ra 2.000-3.000 thiên nhang/ngày (mỗi thiên là 1.000 que hương), chị Thúy quyết định giảm số lượng sản xuất hơn một nửa vì sức mua chỉ còn 50% so với năm ngoái.
“Làm ra quá nhiều mà không xuất được, để hàng tồn kho thì hương sẽ xuống màu, mất mùi, hư hỏng, không bán được. Tết năm nay dễ tôi sẽ lỗ nặng”, chị Thúy thở dài.
Gần đó, 7 nhân công ở xưởng của anh Cường (40 tuổi) đang tất bật trộn nguyên liệu. Anh Cường cho biết, năm nay tình hình kinh doanh của xưởng khó khăn, doanh thu giảm khoảng 40% so với mọi năm.
“Các mối quen vẫn liên lạc đặt hàng nhưng số lượng ít hơn hẳn. Thông thường, tháng 12 là cao điểm chuẩn bị hàng Tết của chúng tôi, công nhân làm liên tục không nghỉ cả cuối tuần. Nhưng giờ có tuần chúng tôi chỉ làm việc 2-3 ngày”, anh Cường nói.
Để níu chân khách hàng, anh Cường vẫn giữ giá bán ra như năm ngoái dù giá nguyên vật liệu tăng cao. Song, tình hình kinh doanh trước mắt vẫn khó khăn.
Nhân công bị giảm thu nhập
Chị Thúy cho hay, vì đơn hàng giảm nên xưởng chỉ hoạt động vào buổi tối. Ban ngày, hơn 30 công nhân ở xưởng (chưa kể người nhận hàng về gia công) không có hàng làm, đành tìm thêm công việc khác để trang trải. Khu xưởng rộng hơn 5.000m2, vì vậy mà vắng lặng cả ngày.
“Xưởng nhang của tôi hoạt động đã hơn 20 năm. Đây là lần đầu tiên tôi phải đối mặt với khó khăn đến mức này. Giờ trong kho còn tồn rất nhiều hàng, tôi đang phải liên hệ nhiều mối quen, tìm cách đẩy số nhang chưa tiêu thụ hết đi, để chứa những mẻ nhang mới”, chị Thúy nói.
Chị Tú (41 tuổi, ngụ quận Bình Tân), công nhân tại xưởng sản xuất nhang, vừa phơi thiên nhang ngoài trời vừa kể về thu nhập của thợ hương.
“Tôi chưa thấy năm nào thất thu như năm nayFrom: web game casino. Mọi khi, cứ Tết là công nhân chúng tôi phải làm ngày, làm đêm, tháng Tết kiếm được nhiều tiền nên mừng lắm. Năm nay xưởng không có hàng, cứ cách 2-3 tháng tôi mới đến làm vài tuần rồi lại nghỉ, tìm việc khác, vất vả lắm”, chị Tú than.
Bà Thắm (57 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) là công nhân làm nhang tại xưởng của anh Cường. Bà Thắm cho hay, khi xưởng bị giảm đơn hàng, thu nhập của bà cũng giảm theo.
Mỗi ngày, bà và các công nhân làm việc 8 tiếng, kiếm khoảng 210.000 đồng/ngày. Thu nhập như vậy là giảm 25% so với trước, chưa kể những ngày không có việc xen kẽ.
Làm công việc này được 3 năm, bà Thắm bộc bạch phải yêu thích mới có thể gắn bó lâu dài. Thoạt nhìn, việc sản xuất nhang dường như phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc. Nhưng công nhân đóng vai trò quan trọng trong các khâu đổ bột, canh cho nhang không bị kẹt trong máy.
“Tình hình này thợ làm nhang chúng tôi Tết này “đói” rồi. Nhưng vì khó khăn chung, chúng tôi cũng thấu hiểu cho chủ xưởng. Làm việc quen rồi, tuổi này cũng không dễ kiếm được việc gì khác đỡ nặng nhọc, tôi không thể bỏ nghề được. Hi vọng năm sau mọi việc sẽ tốt hơn”, bà Thắm nói.